Khi lượng tiểu cầu bị giảm, người bệnh cần được trị liệu bằng cách dùng thuốc, truyền tiểu cầu,… Điều đó giúp tăng lượng tiểu cầu cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, việc điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh cũng giúp lượng tiểu cầu tăng nhanh chóng. Vậy ăn gì để tăng tiểu cầu? Cùng tìm hiểu 5 nhóm thực phẩm qua bài viết sau đây.
Giảm tiểu cầu là tình trạng như thế nào?
Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu được sản xuất trong tủy xương với vai trò là tế bào giúp đông máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu nằm trong khoảng 150000 – 450000 tiểu cầu trên 1 microlit máu. Nếu lượng tiểu cầu nằm dưới 150000 tiểu cầu trên 1 microlit máu được gọi là tiểu cầu thấp.
Giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?
Khi lượng tiểu cầu thấp, các tình trạng chảy máu kéo dài do bị các vết thương, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi xuất hiện. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều vết thâm tím trên cơ thể. Lượng tiểu cầu thấp cũng là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, cảm thấy bất ổn, luôn trong tình trạng uể oải.
Để cải thiện tình trạng này, có thể sử dụng các loại thực phẩm giàu folate, vitamin B12 cho cơ thể. Vậy ăn gì để tăng tiểu cầu, thông tin sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này nhé!
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Những nhóm thực phẩm giúp tăng tiểu cầu hiệu quả
1. Nhóm thực phẩm giàu Folate giúp tăng tiểu cầu
Folate là một nhóm vitamin B thiết yếu giúp tế bào máu khỏe. Theo nghiên cứu, cần ít nhất 400 mcg Folate mỗi ngày ở người trưởng thành và 600 mcg/ ngày cho phụ nữ mang thai.
Các thực phẩm giàu Folate tốt cho sức khỏe có thể dùng trong bữa ăn hàng ngày như:
- Các loại rau đậm màu xanh như bông súp lơ, bông cải xanh, rau chân vịt,…
- Gan bò chứa hàm lượng folate cao.
- Đậu trắng hay còn gọi là đậu mắt đen, được sử dụng trong các món chè, các loại canh hầm, rau củ hầm…
- Các loại ngũ cốc ăn sáng.
Các loại thực phẩm giàu folate khi ăn nhiều không gây nên các vấn đề nghiêm trọng nào đối với sức khỏe. Do đó, chúng được khuyên dùng thường xuyên trong các bữa ăn để giúp tăng tiểu cầu đến mức bình thường.
2. Tăng tiểu cầu bằng các thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C đóng vai trò chủ chốt trong hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp tiểu cầu hoạt động chính xác và giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Từ đó giúp tăng lượng tiểu cầu cho cơ thể.
Các loại hoa quả, rau xanh xung quanh chúng ta là những nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Có thể kể đến một số loại thực phẩm như:
- Các loại rau củ như bông cải xanh, ớt chuông, bông súp lơ, thơm, cà chua…
- Các loại hoa quả như: kiwi, dâu tây, đu đủ, dưa, lựu… đặc biệt là các loại quả có múi như họ nhà cam, quýt, bưởi…
- Đậu Hà Lan.
Bạn cần chú ý khi nhiệt độ tăng quá cao sẽ làm vitamin C bị phân hủy. Do đó, cách tốt nhất là hãy ăn các loại thực phẩm này khi chưa qua chế biến phức tạp. Vậy giảm tiểu cầu ăn gì, nhóm thực phẩm vitamin C đã cho bạn gợi ý rồi đấy.
3. Các thực phẩm chứa vitamin B12 tốt cho việc tăng tiểu cầu
Sự thiếu hụt vitamin B12 là một trong những nguyên nhân gây giảm tiểu cầu ở người. Do đó để cải thiện tình trạng này, cần cung cấp thêm vitamin B12 cho cơ thể. Vitamin B12 sẽ giúp thúc đẩy quá trình hình thành tế bào hồng cầu diễn ra nhanh chóng hơn.
Theo nghiên cứu từ Viện y tế quốc gia, người trên 14 tuổi cần trung bình 2,4 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Con số này lên đến 2,8 mcg/ngày đối với phụ nữ có thai, cho con bú. Bạn có thể tìm thấy nguồn vitamin B12 dồi dào trong các thực phẩm như:
- Thịt bò, gan bò: có thể sử dụng chúng để nấu canh, xào, nướng… tùy theo khẩu vị của gia đình.
- Các loại trứng gà, trứng vịt, trứng cút.
- Các loại cá như cá hồi, cá hồi vân, cá ngừ.
Khi dùng thực phẩm chứa vitamin B12 bạn cũng cần lưu ý, sữa bò tuy chứa hàm lượng vitamin B12 cao nhưng lại gây ảnh hưởng đến việc sản sinh tiểu cầu. Do đó cần hạn chế sữa bò đối với người đang gặp phải tình trạng tiểu cầu giảm.
4. Thực phẩm giàu vitamin K – nhóm thực phẩm tốt cho việc tăng tiểu cầu
Vitamin K là một trong những loại vitamin cần thiết cho quá trình đông máu. Theo một số khảo sát, 26.98% người dùng vitamin K đã giảm được các triệu chứng chảy máu, đồng thời lượng tiểu cầu tăng lên đáng kể. Ở nam và nữ có lượng vitamin K trung bình lần lượt là 120 mcg/ngày và 90 mcg/ngày.
Một số loại thực phẩm và nguyên liệu giàu vitamin K, có thể bổ sung cho cơ thể như:
- Các loại rau lá xanh như rau xà lách, cải rổ, cải xoăn…
- Bông cải xanh, bí ngô.
- Đậu nành và dầu đậu nành nguyên chất.
5. Cung cấp sắt để làm tăng tiểu cầu
Sắt là một loại dưỡng chất thiết yếu góp phần tạo nên tế bào tiểu cầu và hồng cầu khỏe mạnh. Theo nghiên cứu từ Viện y tế Quốc gia, nữ giới trên 18 tuổi cần 18 mcg sắt/ ngày, nam giới trên 18 tuổi cần 8 mcg sắt mỗi ngày, đối với phụ nữ mang thai là 27 mcg mỗi ngày.
Những loại thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:
- Hàu: có thể dùng hàu sữa để làm bột chiên, nấu cháo hàu cho buổi sáng.
- Gan bò: gan bò được dùng làm các món ăn như Gan bò xào hành tây, gan bò luộc,…
- Đậu trắng, đậu lăng: sử dụng trong các món hầm bổ dưỡng cho cơ thể.
- Socola đen: được dùng trong các loại kẹo, bánh ngọt.
- Đậu hũ: đậu hũ vốn là nguyên liệu khá thân thuộc. Có thể làm các món với đậu hũ như đậu hũ nhồi thịt, đậu hũ sốt cà, đậu hũ sốt nấm… trong bữa ăn hàng ngày.
Các loại thực phẩm từ thực vật có hàm lượng chất sắt cao như các loại đậu, đậu hũ khi kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp tăng khả năng hấp thu sắt. Do đó, bạn có thể dùng các loại thực phẩm giàu vitamin C để chế biến cùng các nguyên liệu trên nhé!
Giảm tiểu cầu trong máu nên kiêng gì?
Các loại thực phẩm nên kiêng khi bị giảm tiểu cầu
Khi bị giảm tiểu cầu trong máu, bạn cũng nên chú ý kiêng một số thực phẩm như:
- Thịt đỏ: thịt bò, heo,..
- Sữa: các chất béo bão hòa có trong sữa làm ảnh hưởng đến quá trình tăng tiểu cầu.
- Các loại dầu ăn không được chiết xuất từ thực vật.
- Thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp.
- Tỏi, hành tây: chúng gây ảnh hưởng đến việc tăng tiểu cầu vì tỏi và hành tây sẽ làm loãng máu.
Nhóm các loại thức uống ảnh hưởng đến việc tăng tiểu cầu
Các loại thức uống cũng là chủ đề khá được quan tâm khi nhắc đến việc “Ăn gì tăng tiểu cầu” hay “Kiêng ăn gì để tăng tiểu cầu”. Trong trường hợp này, nước lọc sẽ là lựa chọn tối ưu giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Bên cạnh đó, người bị giảm tiểu cầu cần hạn chế sử dụng những thực phẩm có chứa cafein như rượu bia, cà phê,… Theo một nghiên cứu năm 2008, trong cà phê có chứa phenolic – một chất axit gây ra tác động chống tiểu cầu. Do đó, việc uống cà phê sẽ là rào cản khiến tiểu cầu khó tăng lên.
Rượu, bia cũng là thành phần dẫn đến tình trạng loãng máu, gây căng thẳng, mệt mỏi, do đó khi bị giảm tiểu cầu cũng nên hạn chế tối đa loại chất kích thích này.
Thực ra, các loại thực phẩm hàng ngày đều phần nào hỗ trợ cho việc tăng tiểu cầu, do đó bạn cần tăng số lượng của chúng trong khẩu phần ăn, đồng thời giảm các chất gây tác động xấu cho quá trình này. Chúc các bạn có được kết quả tốt trong việc nỗ lực làm tăng tiểu cầu nhé!