Tại sao người già thường bị cao huyết áp: Lời giải đáp từ bác sĩ

Tại sao người già thường bị cao huyết áp là một trong những thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi. Vậy thì nguyên nhân gây nên tình trạng tăng huyết áp tuổi già là do đâu? Cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

Chỉ số cao huyết áp ở người già

Trước khi tìm hiểu tại sao người già thường bị cao huyết áp, chúng ta hãy tham khảo chỉ số cao huyết áp ở người già. Với định nghĩa tăng huyết áp là huyết áp tâm thu ≥ 130 và/hoặc HA tâm trương ≥ 80 mmHg thì:

  • Tại Hoa Kỳ, bệnh lý tăng huyết áp chiếm 46% dân số nói chung, chiếm khoảng 75% người từ 65 đến 74 tuổi. Đồng thời chiếm xấp xỉ trên 80% ở người từ 75 tuổi trở lên.
  • Ở nước ta, vào năm 2015, chương trình điều tra dịch tễ học của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ tăng huyết áp khoảng 47% dân số chung. Chiếm trên 60% ở những người trên 60 tuổi. Đồng thời chiếm trên 80% ở những người >80 tuổi.

Tăng huyết áp ở người cao tuổi

Tăng huyết áp ở người cao tuổi

Tuy nhiên, có những cân nhắc cần thiết đối với người cao tuổi trong việc quyết định có nên bắt đầu điều trị tăng huyết áp hay không. Bao gồm các tình trạng sức khỏe khác và tổng trạng.

Nếu huyết áp của một người trên 130/80 mmHg, các bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe của người đó. Mục đích là để xác định phương pháp điều trị nào là cần thiết. Đồng thời cân bằng giữa rủi ro và lợi ích trong những trường hợp cụ thể.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Tại sao người già bị cao huyết áp?

Tăng huyết áp là một rối loạn xảy ra do nhiều yếu tố. Mà các yếu tố này khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi. Bệnh lý tăng huyết áp ở người cao tuổi có một số khuynh hướng khác biệt so với người trẻ tuổi. Những khác biệt đó bao gồm:

Tăng độ nhạy với muối Natri – nguyên nhân tăng huyết áp thường gặp ở người cao tuổi

Đây là một trong những nguyên nhân bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi được xét đến đầu tiên. Nguyên nhân này được định nghĩa là sự tăng huyết áp đi đôi với tăng lượng muối natri tiếp nhận vào cơ thể. Ở người cao tuổi, chế độ ăn uống nên giới hạn muối Natri. Đồng thời việc sử dụng các thuốc lợi tiểu sẽ cho hiệu quả hạ áp tối ưu hơn so với người trẻ.

Các yếu tố trung gian dẫn đến tăng natri và sự tăng huyết áp ở người cao tuổi khá phức tạp, bao gồm:

  • Thể tích nội môi tăng nhạy cảm với lượng muối thu nhận.
  • Muối làm giảm sản xuất nitric oxide (NO) gây co mạch máu dẫn đến tăng huyết áp.
  • Tăng độ cứng thành động mạch.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc – nguyên nhân cao huyết áp ở người già khá phổ biến

Tình trạng này được đặc trưng bởi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương dưới 90mmHg. Hậu quả của nó là áp lực mạch tăng cao. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc gặp chủ yếu ở người cao tuổi, thường trên 60 tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, huyết áp tâm thu tăng theo tuổi, trong khi huyết áp tâm trương vẫn giữ ổn định hoặc giảm nhẹ.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Theo US National Health and Nutrition Examination Survey III thống kê, khoảng 65% người trên 60 tuổi có tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Trên 85% bệnh nhân cao tuổi chưa kiểm soát tốt huyết áp có tình trạng tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

Rối loạn chức năng nội mô – Nguyên nhân bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi

Nguyên nhân là do các gốc oxy tự do xuất hiện trong thành động mạch. Kết hợp với tác động ngược dòng của tình trạng giảm lưu lượng dự trữ của mạch máu ngoại biên. Sự tích lũy các gốc oxy tự do có nguyên nhân từ các yếu tố nguy cơ tim mạch có liên quan đến tuổi cao. Bao gồm suy thận tuổi già, xơ vữa động mạch, đái tháo đường.

Tình trạng “Tăng huyết áp áo choàng trắng” thường gặp ở người cao tuổi

Tình trạng này xảy ra khi huyết áp tăng tạm thời khi đo huyết áp do ảnh hưởng của tâm lý. Tình trạng này có tần suất tăng dần theo độ tuổi. Chính sự lo lắng, sợ hãi khi đo huyết áp làm kích thích hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Từ đó dẫn đến tình trạng co mạch, tim đập nhanh, mạnh và huyết áp tăng.

Kiểm soát huyết áp cao ở người già

Sau khi biết được nguyên nhân tại sao người già thường bị cao huyết áp, chúng ta nên biết vì sao cần kiểm soát huyết áp ở người già. Việc kiểm soát huyết áp cao ở người già giúp huyết áp được ổn định. Đồng thời giảm những biến chứng nguy hiểm do tình trạng huyết áp cao gây nên.

Những biến chứng thường gặp ở tim, thận, não. Đặc biệt là xuất huyết não, một trong những biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Vậy vì sao ở người già huyết áp cao dễ bị xuất huyết não? Nguyên nhân là do:

  • Huyết áp tăng thường xuyên dẫn đến cường độ cũng như tính đàn hồi của thành tiểu động mạch suy giảm.
  • Thành động mạch não trở nên mỏng, yếu và phình ra. Từ đó hình thành nên những khối phình mạch não. Những khối phình rất dễ vỡ gây nên tình trạng xuất huyết não.
  • Độ đàn hồi và độ bền thành động mạch não suy giảm dần theo độ tuổi.
  • Dị dạng mạch máu não ở người cao tuổi cũng làm tăng nguy cơ xuất huyết não nếu huyết áp tăng thường xuyên.

Xuất huyết não do tăng huyết áp ở người cao tuổi

Xuất huyết não do tăng huyết áp ở người cao tuổi

Phòng ngừa huyết áp cao ở người già

Sau khi hiểu được vì sao ở người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não, chúng ta sẽ thấy rõ hơn vai trò của việc kiểm soát huyết áp ở người già. Thông qua một số biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Tập thể dục hàng ngày.
  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh: Người cao tuổi nên ăn nhiều trái cây, rau, củ và các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Hạn chế lượng muối ăn vào hàng ngày.
  • Uống ít rượu bia.
  • Từ bỏ việc hút thuốc là: Bởi vì hút thuốc là làm tăng nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch , đột quỵ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  • Quản lý stress tâm lý: Việc thư giãn và giải quyết những căng thẳng có thể giúp ổn định huyết áp.

Một chế độ ăn ít muối giúp kiểm soát tốt huyết áp

Một chế độ ăn ít muối giúp kiểm soát tốt huyết áp

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc biết được tại sao người già thường bị cao huyết áp. Qua đó, bạn và gia đình sẽ có những biện pháp khoa học phù hợp. Mục đích là để ổn định huyết áp cho ông bà, cha mẹ của mình. Đồng thời hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp cao tuổi gây ra.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *