Huyết áp thấp và rối loạn tiền đình là hai bệnh khá phổ biến hiện nay. Chúng đều có triệu chứng gần giống nhau như: chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, xây xẩm… khiến chúng ta dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên hai bệnh này hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh. Vậy làm sao để phân biệt được hai bệnh này? Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn phân biệt được hai bệnh trên. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Huyết áp thấp là gì?
Huyết áp thấp là một bệnh lý tim mạch. Đối với người bình thường chỉ số huyết áp sẽ dao động từ 90 đến 120 đối với huyết áp tâm thu và 60 đến 80 đối với huyết áp tâm trương. Chỉ số huyết áp thường dao động trong ngày. Vậy huyết áp thấp được xác định khi chỉ số huyết áp nhỏ hơn 90/60 mmHg. Với huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg.
Tuy nhiên, với một người bình thường khoẻ mạnh, khi đo huyết áp mà chỉ số huyết áp thấp nhưng người đó không có triệu chứng gì, thì đây không phải là bệnh. Mà đó là chỉ số huyết áp bình thường của người đó. Chính vì thế, việc chẩn đoán huyết áp thấp còn phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Dựa vào chỉ số huyết áp bình thường trước đó của người bệnh.
- Tiền sử bệnh.
- Tuổi tác.
- Giới tính.
- Tổng trạng cơ thể.
Và có thể có các triệu chứng kèm theo như:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Nhìn mờ.
- Lú lẫn hoặc khó tập trung: huyết áp thấp làm máu không cung cấp lên não đủ. Não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng mất tập trung.
- Hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu: xuất hiện khi thay đổi tư thế sau khi ngồi quá lâu hoặc sau khi ngủ dậy.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Nhịp tim nhanh, thở nhanh.
Xem thêm: Huyết áp thấp có nguy hiểm như cao huyết áp không?
Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là một hệ thống của hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai. Chúng giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tư thế, phối hợp các động tác, dáng điệu… Khi hệ thống này bị rối loạn sẽ làm chúng ta mất kiểm soát thăng bằng, choáng váng, chóng mặt… Bệnh rối loạn tiền đình có thể xảy ra sau chấn thương đầu, rối loạn tuần hoàn máu não, nhiễm khuẩn tai…
Huyết áp thấp và rối loạn tiền đình có liên quan đến nhau không?
Thật ra hai bệnh huyết áp thấp và rối loạn tiền đình có một ít liên quan với nhau. Đó là tình trạng huyết áp thấp có thể là nguyên nhân của rối loạn tiền đình. Khi huyết áp thấp dẫn đến máu không được đưa lên não đủ, khiến cho tình rạng thiếu oxy ở não. Điều này dẫn đến rối loạn tiền đình. Hai bệnh này cũng có các biểu hiện tương đối giống nhau như chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai… khiến ta dễ nhầm lẫn.
Phân biệt huyết áp thấp và rối loạn tiền đình
Dưới đây là một số cách phân biệt về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị của hai bệnh huyết áp thấp và rối loạn tiền đình.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể là tình trạng tạm thời hoặc lâu dài. Dưới đây là một số nguyên nhân gây nên huyết áp thấp thường gặp như:
- Vấn đề tim mạch như: rối loạn nhịp tim, suy tim…
- Thiếu hụt dinh dưỡng như vitamin B12, axit folic.
- Một số loại thuốc như: thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị bệnh Parkinson…
- Nghỉ ngơi trên giường kéo dài.
- Vấn đề nội tiết như: các bệnh về tuyến giáp, tuyến thượng thận…
- Bệnh tiểu đường.
- Thai kỳ.
- Tuổi tác.
- Nhiễm trùng nặng.
- Mất nước/ máu: Gặp ở các trường hợp như xuất huyết tiêu hoá, nôn, tiêu chảy hay tập thể dục đổ mồ hôi nhiều…
- Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
- Chấn thương đầu.
- Viêm dây thần kinh tiền đình.
- Viêm, nhiễm trùng tai.
- Rối loạn tuần hoàn máu, trong đó có huyết áp thấp.
- Môi trường sống ồn ào, căng thẳng, stress…
Biểu hiện bệnh
Biểu hiện bệnh huyết áp thấp
Người bị hạ huyết áp thường có các biểu hiện sau đây:
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, mệt mỏi.
- Da nhợt nhạt, xanh xao.
- Buồn nôn và nôn, có thể ngất xỉu.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Suy giảm trí nhớ, mất tập trung.
- Tim đập nhanh, khó thở.
Biểu hiện của rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình cũng có một số biểu hiện tương tự như huyết áp thấp, cụ thể như sau:
- Mất thăng bằng, dễ ngã, không thể bước đi do mất định hướng.
- Chóng mặt, choáng váng, đau đầu, ù tai.
- Nhìn mờ, hoa mắt.
- Khó tập trung, chú ý kém…
Cách điều trị
Điều trị huyết áp thấp
Mục tiêu điều trị huyết áp thấp là đưa huyết áp về mức bình thường. Và duy trì chúng tránh gây tái phát. Đầu tiên bác sĩ sẽ xem tình trạng huyết áp thấp này là do nguyên nhân gì. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể.
Tuỳ theo tình trạng của người bệnh mà có thể thực hiện các phương pháp sau:
- Chế độ ăn nhiều muối hơn: Cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện chế độ ăn.
- Uống nhiều nước: Giúp làm tăng thể tích máu.
- Tránh hoạt động quá mức mất nhiều năng lượng.
Nếu bạn có các biểu hiện của huyết áp thấp như chóng mặt, xây xẩm, choáng váng… kèm với chỉ số huyết áp thấp thì bạn hãy nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.
Xem thêm: Hạ huyết áp: Vấn đề thường gặp và cách xử trí
Điều trị rối loạn tiền đình
Nếu có các biểu hiện của rối loạn tiền đình như ở phần trên, thì bạn hãy đến các cơ sở y tế hoặc bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tùy theo tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Bạn có thể tham khảo một số cách điều trị dưới đây.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp: giúp kiểm soát được triệu chứng và phục hồi chức năng tiền đình.
- Sử dụng thuốc điều trị: phụ thuộc vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể.
- Phẫu thuật: đây là biện pháp cuối cùng nếu như các biện pháp điều trị trên không hiệu quả.
Xem thêm: Phương pháp châm cứu trong điều trị rối loạn tiền đình
Tóm lại, huyết áp thấp và rối loạn tiền đình là hai bệnh có các biểu hiện gần giống nhau. Điều này khiến chúng ta dễ nhầm lẫn. Hy vọng bài viết trên của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp những thông tin bổ ích giúp các bạn phân biệt được hai bệnh này. Nếu các bạn có các biểu hiện bất thường về sức khỏe, hãy đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất. Các bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.