Một trong những vấn đề mà người bệnh tăng huyết áp nên quan tâm đó chính là các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp. Các yếu tố ấy có thể gây tăng huyết áp, cũng có thể góp phần làm hạ huyết áp. Vậy thì đó là những yếu tố nào? Ảnh hưởng đến huyết áp ra sao? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Hiểu đúng về huyết áp
Khái niệm về huyết áp
Trước khi tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp thì chúng ta nên có một cách hiểu đúng về huyết áp. Mọi người đều muốn duy trì huyết áp bình thường để có sức khỏe tốt. Vậy huyết áp là gì? Khi bác sĩ đo huyết áp của một người, chỉ số huyết áp được biểu thị bằng hai con số. Với một số ở trên gọi là huyết áp tâm thu. Và một số ở dưới gọi là huyết áp tâm trương. Tượng tự như một phân số. Chẳng hạn như: 130/80 mmHg.
Chỉ số huyết áp tâm trương nói lên áp lực trong động mạch khi cơ tim co bóp. Chỉ số huyết áp tâm trương là lúc cơ tim của chúng ta đang ở giữa các nhịp đập. Cả hai con số nói trên đều quan trọng trong việc xác định tình trạng sức khỏe của hệ tim mạch.
Những con số lớn hơn giới hạn bình thường cho thấy tim của một người đang làm việc quá sức để bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu con số ấy tăng thường xuyên và bền vững thì người ấy bị bệnh tăng huyết áp. Ngược lại thì được gọi là tình trạng hạ huyết áp hay huyết áp thấp.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Chỉ số huyết áp bình thường
Trong trường hợp sinh lý, huyết áp tâm thu của một người nằm trong khoảng từ 90 đến 120 mmHg. Và chỉ số huyết áp tâm trương dao động trong khoảng từ 60 đến 80 mmHg. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đánh giá là huyết áp bình thường khi cả chỉ số tâm thu và tâm trương đều nằm trong phạm vi này.
Các chỉ số huyết áp được hiển thị bằng đơn vị milimét thủy ngân. Đơn vị này được viết tắt là mmHg. Chỉ số huyết áp bình thường sẽ là không quá 120/80 mm Hg và trên 90/60 mmHg ở người trưởng thành.
Nếu huyết áp của một người nằm trong giới hạn bình thường thì không cần phải điều trị. Tuy nhiên, chúng ta nên duy trì một lối sống khoa học và cân nặng phù hợp. Mục đích là để phòng tránh tình trạng tăng huyết áp tiến triển. Bạn sẽ cần phải chú ý nhiều hơn đến lối sống của mình nếu gia đình của bạn có tiền sử tăng huyết áp.
Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp
Nội dung này sẽ giúp bạn đọc biết được huyết áp phụ thuộc vào những yếu tố nào. Sau đây là các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp phổ biến nhất.
Các yếu tố bên trong cơ thể ảnh hưởng đến huyết áp
Những yếu tố bên trong cơ thể ảnh hưởng đến huyết áp. Chúng có thể làm tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp. Bao gồm:
Lượng máu do tim bơm ra (cung lượng tim)
Cung lượng tim càng cao, nhịp tim càng nhanh thì huyết áp càng tăng và ngược lại. Bất kỳ yếu tố nào làm tăng cung lượng tim và/hoặc nhịp tim sẽ làm tăng huyết áp. Những yếu tố làm tăng cung lượng tim và/hoặc nhịp tim bao gồm:
- Kích thích hệ thần kinh giao cảm.
- Sự tăng hoạt động hormone tuyến giáp.
- Tăng nồng độ ion canxi trong máu
- Tăng hoạt động của tuyến thượng thận,…
Ngược lại, kích thích hệ thần kinh phó giao cảm sẽ làm giảm nhịp tim, giảm cung lượng tim. Từ đó làm giảm huyết áp.
Sức cản mạch máu ngoại vi
Khi mạch máu bị hẹp do xơ vữa, xơ cứng thì kháng trở đối với dòng máu tăng lên. Kết quả là áp suất trong mạch cao hơn và huyết áp sẽ tăng lên.
Khối lượng máu lưu thông trong cơ thể
Khối lượng máu lưu thông là tổng lượng máu di chuyển trong cơ thể. Sự gia tăng chỉ số này sẽ kích thích tim đập mạnh, nhanh và dẫn đến huyết áp tăng.
Độ nhớt của máu
Độ nhớt của máu là chỉ số nói lên độ dày của máu. Chỉ số này bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của protein huyết tương và các yếu tố hình thành trong máu. Độ nhớt của máu có ảnh hưởng rất lớn đến huyết áp và lưu lượng máu tuần hoàn.
Độ đàn hồi của thành mạch
Độ đàn hồi của thành mạch là khả năng mạch máu phục hồi lại hình dạng bình thường của nó sau khi bị kéo căng cũng như bị nén. Nếu thành động mạch cứng và độ đàn hồi giảm, sức cản đối với lưu lượng máu sẽ tăng lên. Đồng thời rất huyết áp cũng sẽ tăng theo.
Các bệnh lý của cơ thể
Có nhiều bệnh lý trong cơ thể ảnh hưởng đến huyết áp. Thường gặp là những bệnh gây tăng huyết áp bao gồm:
- Cường tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận.
- Đái tháo đường.
- Các bệnh lý viêm nhiễm trong cơ thể. Ví dụ như: Viêm dạ dày, viêm cầu thận, viêm tuyến giáp,…
Một số bệnh lý có thể làm hạ huyết áp bao gồm:
- Suy tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận.
- Suy thận, suy tim.
- Thiếu máu.
- Suy dinh dưỡng,…
Các yếu tố bên ngoài cơ thể ảnh hưởng đến huyết áp
Các yếu tố bên ngoài có thể làm tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp.
Các yếu tố làm tăng huyết áp bao gồm:
- Rượu bia và các chất kích thích. Yếu tố này làm tăng huyết áp thông qua cơ chế chính là tăng nhịp tim và co mạch.
- Thức ăn giàu chất béo động vật. Yếu tố này gây xơ vữa mạch dẫn đến tăng sức cản ngoại vi.
- Chế độ ăn mặn, nhiều muối. Yếu tố này làm tăng giữ nước trong cơ thể, dẫn đến tăng lưu lượng tuần hoàn.
- Thuốc lá. Thói quen hút thuốc lá dẫn đến xơ vữa thành mạch. Đồng thời, chất nicotin trong thuốc lá kích thích cơ thể tăng tiết Adrenaline. Đây là hormon gây tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim và tăng huyết áp.
- Căng thẳng tâm lý. Tình trạng căng thẳng tâm lý sẽ kích thích cơ thể tiết ra những hormon gây tăng huyết áp. Bao gồm hormon Adrenalin, hormon tuyến giáp, hormon tuyến thượng thận,…
- Thuốc uống. Một số loại thuốc uống có thể gây tăng huyết áp. Chẳng hạn như thuốc kháng viêm, thuốc bổ sung hormon tuyến giáp, thuốc co mạch,…
Các yếu tố làm hạ huyết áp bao gồm:
- Chế độ ăn uống kém. Ăn uống không đủ chất, kết hợp với hoạt động thể lực quá nhiều có thể gây hạ huyết áp.
- Uống ít nước.
- Các dị nguyên gây nên tình trạng dị ứng, sốc phản vệ.
- Khí hậu nóng làm giãn mạch và hạ huyết áp.
- Thuốc hạ áp. Uống quá liều thuốc hạ áp sẽ làm huyết áp hạ thấp hơn mức cho phép.
- Một số loại thuốc khác có thể gây hạ huyết áp như: Thuốc kháng giáp, kháng viêm Non-Steroid, thuốc giãn mạch,…
Làm thế nào để kiểm soát huyết áp hiệu quả
Thông qua việc nắm được huyết áp phụ thuộc vào những yếu tố nào, chúng ta sẽ biết được cách để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Nếu yếu tố đó nằm bên trong cơ thể thì chúng ta phải xác định và giải quyết yếu tố thực thể ấy. Nếu yếu tố đó nằm bên ngoài cơ thể thì chúng ta sẽ có những biện pháp thích hợp. Mục đích là để giữ huyết áp ở mức ổn định trong giới hạn bình thường.
Các biện pháp nhằm kiểm soát huyết áp hiệu quả bao gồm:
Giữ cân nặng ở mức hợp lý
Tốt nhất là theo dõi chỉ số BMI. Chỉ số này được tính bằng công thức:
BMI = Cân nặng (Kg)/(Chiều cao (m))².
Chỉ số BMI tối ưu cho người châu Á là 18,5 đến 23. Mọi con số nằm ngoài khoảng này đều sẽ ảnh hưởng đến huyết áp. Điều này đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh lối sống và chế độ ăn sao cho phù hợp.
Xem thêm: Chỉ số khối cơ thể BMI: Bao nhiêu là tốt?
Tập luyện thể dục, thể thao
Rèn luyện thể dục thể thao sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời giúp ổn định huyết áp rất hiệu quả.
Uống thuốc theo toa của bác sĩ
Việc tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp chúng ta ổn định huyết áp. Đồng thời hạn chế gặp phải những tác dụng phụ của thuốc.
Duy trì lối sống lành mạnh
Vấn đề này bao gồm những hành vi sau:
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Quản lý căng thẳng, stress hợp lý.
- Hạn chế thức khuya.
- Cắt giảm rượu bia và các thức uống có cồn.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ăn đủ chất đường, đạm, chất béo, chất xơ. Tuy nhiên, chúng ta nên hạn chế:
- Chất béo bão hòa (mỡ động vật).
- Chế độ ăn mặn, nhiều muối.
- Các thức ăn nhanh, thức ăn nhiều tinh bột.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp. Từ đó, các bạn sẽ có hướng thay đổi hoặc duy trì các yếu tố nói trên một cách phù hợp. Mục đích là để ổn định huyết áp và bảo vệ sức khỏe.