Triệu chứng tụt huyết áp thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng này làm cho chúng ta khó chịu, cảm giác choáng váng, chóng mặt. Nếu triệu chứng tụt huyết áp diễn ra thường xuyên, nó cũng có thể báo hiệu có tình trạng sức khỏe tìm ẩn. Vậy tụt huyết áp cần lưu ý điều gì? Câu hỏi sẽ được giải đáp thông qua bài viết của bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến ngay sau đây!
Hiểu đúng về bệnh huyết áp thấp
Việc hiểu đúng về bệnh huyết áp thấp sẽ giúp bạn dễ nhận biết hơn triệu chứng tụt huyết áp.
Huyết áp là áp lực của màu lên thành động mạch khi tim bơm máu đến cơ thể. Kết quả đo huyết áp bao gồm 2 chỉ số, ví dụ: 120/80 mmHg. Trong đó, giá trị đầu tiên và luôn cao hơn số còn lại là huyết áp tâm thu. Nó chỉ áp suất trong động mạch khi tim đập và đẩy máu đến động mạch. Chỉ số thứ hai là huyết áp tâm trương. Đây áp suất trong động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.
Ở người lớn, huyết áp tối ưu nhỏ hơn 120/80 mmHg. Tuy nhiên, nếu chỉ số huyết áp quá thấp được gọi là tụt huyết áp. Tụt huyết áp hay huyết áp thấp được định nghĩa là huyết áp từ 90/60 trở xuống.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Ở những người khỏe mạnh, huyết áp thấp mà không có bất kỳ triệu chứng nào thường không phải là vấn đề đáng lo ngại và không cần phải điều trị. Tuy nhiên huyết áp thấp vẫn có thể là dấu hiệu báo có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Đặc biệt là huyết áp thấp ở người cao tuổi. Tình trạng này có thể làm cho lưu lượng máu không đủ đến tim, não và các cơ quan quan trọng khác.
Triệu chứng tụt huyết áp cần nhận biết
Huyết áp thấp mãn tính không có triệu chứng hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra khi huyết áp giảm đột ngột. Ví dụ như não không được cung cấp đủ máu, hậu quả có thể dẫn đến chóng mặt, xay sẩm choáng váng.
Hạ huyết áp tư thế
Huyết áp giảm đột ngột thường xảy ra nhất ở khi bạn từ tư thế nằm hoặc ngồi sang đứng. Loại huyết áp thấp này được gọi là hạ huyết áp tư thế. Đây là một trong những loại triệu chứng tụt huyết áp hay gặp.
Hạ huyết áp tư thế được coi là sự thất bại của hệ thống tim mạch hoặc hệ thần kinh giúp phản ứng thích hợp với những thay đổi đột ngột. Thông thường, khi bạn đứng lên, một lượng máu chạy đến phẩn chi dưới. Nếu cơ thể không tự điều chỉnh sẽ làm cho huyết áp của bạn tụt xuống.
May thay, cơ thể bạn thường bù đắp bằng cách gửi tín hiệu đến tim làm đập nhanh hơn đồng thời làm co các mạch máu ngoại biên. Điều này giúp làm tăng huyết áp và làm điều chỉnh huyết áp. Nếu cơ chế này không xảy ra hoặc diễn ra quá chậm sẽ dẫn đến hạ huyết áp tư thế và có thể dẫn đến choáng váng, ngất xỉu.
Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh
Một loại huyết áp thấp khác có thể xảy ra khi bạn đứng trong thời gian dài. Nó được gọi là hạ huyết áp qua trung gian thần kinh. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến người lớn và trẻ em. Các chuyên gia cho thấy nó dường như xảy ra do có sự thông tin sai lạc giữa tim và não.
Hạ huyết áp sau ăn
Triệu chứng tụt huyết áp cũng có thể xảy ra sau khi ăn. Nó thường bắt đầu xảy ra khoảng từ một đến hai giờ sau khi ăn. Tình trạng này hầu hết ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Nguyên nhân là sau khi ăn, đường tiêu hóa cần làm việc nhiều hơn và cần tiếp nhận máu nhiều hơn.
Thông thường, cơ thể bạn tăng nhịp tim và co thắt một số mạch máu để giúp duy trì huyết áp bình thường. Nhưng ở một số người, các cơ chế này không thành công, dẫn đến biểu hiện hạ áp. Hạ huyết áp sau ăn có nhiều khả năng ảnh hưởng đến những người bị huyết áp cao hoặc rối loạn hệ thần kinh tự chủ như bệnh Parkinson.
Những triệu chứng khác khi bị tụt huyết áp có thể là:
- Cảm thấy mờ mắt, chao đảo.
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn.
- Cảm giác da lạnh, có thể vã mồ hôi.
- Người khác nhìn vào có thể thấy màu da nhợt nhạt.
Lời khuyên của bác sĩ về bệnh huyết áp thấp
Đối với nhiều người, huyết áp thấp mãn tính có thể được điều trị hiệu quả bằng chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tăng huyết áp bằng cách thực hiện những thay đổi đơn giản sau:
Ăn một chế độ ăn nhiều muối hơn
Các chuyên gia thường khuyên bạn nên hạn chế muối trong chế độ ăn uống. Bởi vì natri cao trong cơ thể có thể làm tăng huyết áp. Đối với những người bị huyết áp thấp, ăn mặn có thể là một điểm lợi.
Tuy nhiên, vì lượng natri dư thừa có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Vì thế, bạn phải kiểm tra sức khỏe tổng quát với bác sĩ trước khi tăng lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn.
Ăn các bữa ăn nhỏ, ít tinh bột
Một số người bị hạ huyết áp sau khi ăn. Để giúp huyết áp không giảm mạnh sau bữa ăn, hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ và ăn nhiều lần trong ngày. Đồng thời nên nghỉ ngơi sau khi ăn.
Uống nhiều nước hơn
Uống nhiều nước làm tăng thể tích máu và giúp ngăn ngừa mất nước.
Hạn chế đồ uống có cồn
Rượu làm mất nước và có thể làm giảm huyết áp, ngay cả khi bạn uống có chừng mực.
Sử dụng thuốc có tác dụng hạ áp
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị huyết áp thấp xảy ra khi bạn đứng lên (hạ huyết áp tư thế đứng) thường xuyên. Nếu bạn đang sử dụng thuốc, hãy khám và hỏi ý kiến bác sỹ về tác dụng phụ của nó.
Lưu ý khi hạ huyết áp và chế độ sinh hoạt, tập luyện
- Nếu bạn thường hay bị hạ huyết áp khi đứng dậy, hãy để ý đứng lên từ từ khu chuyển từ ngồi hoặc nằm sang đứng. Nếu bạn bắt đầu có các triệu chứng hạ huyết áp khi đứng, hãy khoanh đùi theo kiểu kéo và ép chặt, hoặc đặt một chân lên gờ hoặc ghế và nghiêng người về phía trước càng nhiều càng tốt. Những động tác này giúp lưu lượng máu từ chân đến tim.
- Khi nằm nên nâng đầu giường khoảng 15 cm, đệm bằng sách hoặc vật có độ cứng.
- Tập thể dục thường xuyên: Ở người lớn, dành thời gian tập thể dục từ 30 đến 60 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày một tuần. Tránh tập thể dục trong không gian nóng ẩm.
- Tránh nâng vật nặng.
- Tránh rặn khi đi vệ sinh.
- Tránh đứng yên một chỗ trong thời gian dài.
- Tránh tiếp xúc lâu với nước nóng, chẳng hạn như tắm nước nóng và spa.
Nếu bạn thường xuyên có triệu chứng tụt huyết áp, hãy đến cơ sở y tế để khám và tìm nguyên do. Đặc biệt là bạn đã áp dụng các biện pháp trên những vẫn có triệu chứng. Tìm nguyên nhân rõ ràng và điều trị phù hợp sẽ giúp bạn cải thiện được huyết áp của mình tốt nhất.