Điều trị tăng huyết áp bao gồm các phương pháp điều chỉnh lối sống và dùng thuốc. Bất cứ phương diện nào trong hai điều trên đều quan trọng để kiểm soát huyết áp. Trong đó, uống thuốc huyết áp bao lâu thì hạ, uống thuốc huyết áp như thế nào… là những câu hỏi thường gặp. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Lương Sỹ Bắc tìm hiểu bài viết sau để nắm được cách sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng đắn.
Hướng dẫn uống thuốc huyết áp đúng cách và hiệu quả
Thuốc huyết áp uống khi nào?1
Không có câu trả lời xác định cho câu hỏi “Thuốc huyết áp uống khi nào?”.
Cần lưu ý rằng không phải cứ được chẩn đoán tăng huyết áp là sẽ được chỉ định uống thuốc huyết áp. Bên cạnh đó, việc khi nào thì cần dùng thuốc và dùng loại thuốc nào còn tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh nhân.
Ví dụ, những bệnh nhân cao tuổi hoặc tăng huyết áp mức độ nhẹ có thể sẽ chỉ cần dùng một loại thuốc huyết áp. Ngược lại, những bệnh nhân có nhiều nguy cơ như mắc bệnh tim mạch, bệnh thận… hoặc có tăng huyết áp độ II trở lên sẽ cần phối hợp thuốc.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Việc sử dụng loại thuốc nào và thời gian sử dụng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Vì hiện tại thuốc huyết áp có rất nhiều loại. Sử dụng không đúng loại, đúng liều sẽ gây hại nhiều thêm cho bệnh nhân.
Uống thuốc huyết áp lúc nào tốt nhất?2 3
Ngày nay, đa số các loại thuốc huyết áp được sử dụng hàng ngày có thời gian tác dụng kéo dài 24 giờ. Tức là bệnh nhân chỉ cần uống một lần trong ngày.
Thường thì bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân uống thuốc điều trị tăng huyết áp vào buổi sáng. Việc uống thuốc vào một thời gian cố định quan trọng trong việc giúp bệnh nhân ghi nhớ, phòng tránh quên uống thuốc.
Ở một số bệnh nhân có xu hướng tăng huyết áp ban đêm, có thể uống trước khi đi ngủ. Tóm lại, uống thuốc huyết áp lúc nào là tùy thuộc chỉ định bác sĩ cho từng bệnh nhân. Điều quan trọng là đảm bảo việc uống thuốc thường xuyên, đúng liều, đúng giờ.
Một số lưu ý để uống thuốc huyết áp đúng cách và hiệu quả2 4 5
- Uống thuốc phải liên tục, đúng giờ và đều đặn mỗi ngày. Tránh trường hợp quên uống thuốc hoặc uống cách ngày. Điều này làm huyết áp của người bệnh không ổn định. Không nên tự ý uống thêm thuốc hay tự ngưng thuốc khi không có ý kiến bác sĩ. Người bệnh hoặc người nhà có thể soạn sẵn thuốc từng ngày vào hộp chia thuốc để dễ sử dụng.
- Uống đúng liều thuốc được chỉ định. Thuốc chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi đủ liều. Ngược lại có thể gây tụt huyết áp, biến chứng nếu quá liều. Do đó, bệnh nhân không nên tự ý tăng giảm liều thuốc huyết áp.
- Không kết hợp thuốc từ nhiều nguồn (uống thuốc từ nhiều bác sĩ cùng lúc), hoặc điều trị kết hợp thuốc đông – tây y. Việc uống nhiều nguồn thuốc khiến cho người điều trị khó kiểm soát được liều thuốc. Từ đó gây khó khăn trong quá trình kiểm soát huyết áp lâu dài.
Sau khi đã nắm được cách uống thuốc huyết áp đúng đắn, chúng ta sẽ có lời giải đáp cho câu hỏi: Uống thuốc huyết áp bao lâu thì hạ? Hãy cùng nhau tìm hiểu câu trả lời cho một số câu hỏi liên quan việc uống thuốc huyết áp ở phần nội dung ngay sau đây.
Uống thuốc huyết áp đúng cách và một số câu hỏi thường gặp
Thuốc huyết áp uống cách nhau bao lâu?2 4
Khoảng cách giữa các lần uống thuốc tùy thuộc vào loại thuốc đang sử dụng.
Nếu là loại thuốc dùng một lần mỗi ngày thì cần uống chính xác vào một thời điểm cố định. Tức là khoảng cách mỗi lần uống thuốc là 24 giờ. Cũng có những loại thuốc huyết áp chia thành 2, 3 cữ trong ngày. Khi đó các cữ thuốc cách nhau lần lượt 12 và 8 giờ.
Cần lưu ý rằng, dù bất cứ loại thuốc nào thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc đúng giờ và liên tục.
Uống thuốc huyết áp bao lâu thì hạ?
Trước tiên, tốc độ hạ huyết áp không phải cứ nhanh là tốt, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu. Bao lâu sau khi uống thuốc thì huyết áp hạ còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, loại thuốc, tình trạng bệnh nhân và đáp ứng của mỗi người bệnh với thuốc là những yếu tố quan trọng.
Trường hợp cấp cứu sử dụng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch thì có thể hạ huyết áp sau vài giờ, thậm chí vài phút. Đối với các thuốc viên uống huyết áp đa số có thể hạ huyết áp sau vài giờ. Tuy nhiên cũng có những bệnh nhân kém đáp ứng thuốc có thể cần nhiều thời gian hơn để có hiệu quả.
Đến khi nào dừng uống thuốc huyết áp được?1
Trước hết, chúng ta cần biết rằng bệnh tăng huyết áp được phân thành hai nhóm: tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát.
Bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát khi đã được chẩn đoán phải dùng thuốc suốt đời. Tức là bệnh nhân không được ngưng thuốc.
Nhóm tăng huyết áp thứ phát nghĩa là có nguyên nhân khác làm huyết áp tăng. Ở nhóm bệnh nhân này, khi đã điều trị dứt điểm căn nguyên thì sau đó có thể ngưng thuốc huyết áp. Tuy nhiên quá trình chẩn đoán, điều trị nhóm bệnh này tương đối phức tạp, cần được nhập viện theo dõi. Quá trình ngưng thuốc sau đó cũng cần tuần tự theo từng bước tránh các phản ứng xấu.
Xem thêm: Tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát: Làm thế nào phân biệt?
Uống nhầm thuốc hạ huyết áp có sao không?5
Trường hợp uống nhầm làm giảm liều thuốc hạ áp có thể làm huyết áp sau đó tăng lên. Nếu huyết áp tăng quá cao đột ngột có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tổn thương thận. Cần lưu ý các triệu chứng để có thể phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, uống thuốc hạ huyết áp quá liều có thể làm tụt huyết áp đột ngột. Biểu hiện thường gặp là chóng mặt, xây xẩm, thậm chí có thể ngất xỉu. Người bệnh có thể nhìn mờ, buồn nôn, mệt mỏi và thiếu tập trung.
Một số triệu chứng nguy hiểm khi bị tụt huyết áp cần lưu ý để có thể cấp cứu kịp thời như: giảm tri giác, da lạnh, thở nhanh, mạch nhanh yếu. Tụt huyết áp quá nhanh có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là một số bệnh lý mạch vành, bệnh thận. Ngoài ra còn tăng nguy cơ té ngã ở người già.
Xem thêm: Triệu chứng tụt huyết áp cần đặc biệt chú ý
Uống thuốc huyết áp có được uống bia không?
Việc sử dụng rượu bia có thể làm tăng huyết áp. Trong các phác đồ điều trị tăng huyết áp đều khuyến cáo không uống rượu bia. Tuy nhiên, các nghiên cứu quốc tế cho phép bệnh nhân nam uống tối đa 02 lon bia mỗi ngày và 01 lon ở bệnh bệnh nhân nữ. Không được quá lạm dụng rượu bia, vì điều này sẽ khiến huyết áp không ổn định và gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe.1 6
Tại sao uống thuốc huyết áp mà không hạ?
Việc không đáp ứng với thuốc huyết áp có nhiều nguyên nhân. Phổ biến nhất có thể là việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Uống thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ, bỏ thuốc, uống thuốc không đều có thể khiến huyết áp không hạ. Mặt khác, không cải thiện lối sống cũng góp phần làm huyết áp khó kiểm soát. Béo phì, ăn mặn, lạm dụng rượu bia… đều có thể gây ra tình trạng này.
Đặc biệt hơn, ở một số bệnh nhân tăng huyết áp nặng có tình trạng tăng huyết áp kháng trị. Nhóm bệnh nhân này không đáp ứng với các thuốc điều trị thông thường. Chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị cũng cần nhiều bước và khó khăn. Khi đã chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị sẽ có các phương pháp can thiệp chuyên sâu hơn.1
Có nên uống thuốc hạ huyết áp trước tiêm vaccine Covid-19?
Thuốc điều trị tăng huyết áp không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine Covid-19. Do đó trước khi tiêm vaccine bệnh nhân vẫn sử dụng thuốc huyết áp như hằng ngày. Ngoài ra có một số bệnh nhân xảy ra tình trạng cơn tăng huyết áp khi tiêm vaccine. Nếu không uống thuốc và kết hợp thêm phản ứng này có thể làm huyết áp tăng rất cao.7
Xem thêm: Phản ứng sau tiêm ngừa COVID-19: nhận biết phản ứng nguy hiểm và cách xử trí
Uống thuốc huyết áp bao lâu thì hạ là một trong những câu hỏi phổ biến khi sử dụng thuốc huyết áp. Dùng thuốc đúng liều, đúng giờ và liên tục là tiên đề quan trọng để huyết áp ổn định. Tuân thủ điều trị của bác sĩ và xây dựng lối sống lành mạnh là chìa khóa để kiểm soát bệnh tăng huyết áp.