Một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất hiện nay chính là tăng huyết áp. Bệnh này có thể bắt gặp ở nhiều lứa tuổi và ngày càng có chiều hướng trẻ hóa. Đặc biệt, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nặng nề. Trong bài viết dưới đây, Bác sĩ Lương Sỹ Bắc sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về các biến chứng tăng huyết áp này. Từ đó, giúp bạn hạn chế chúng và biết cách kiểm soát huyết áp tốt hơn. Mời bạn cùng tham khảo ngay nhé!
Hiểu rõ về bệnh tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành các mạch máu và cơ quan trong cơ thể. Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực này vượt qua mức bình thường của cơ thể.1
Ở mỗi độ tuổi sẽ có mức huyết áp bình thường khác nhau. Đối với người trưởng thành, tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Theo Joint National Committee – JNC, tăng huyết áp được chia thành các giai đoạn như sau:2
Phân loại | Huyết áp tâm thu | Huyết áp tâm trương |
Huyết áp bình thường | ≤ 120 mmHg | ≤ 80 mmHg |
Tiền tăng huyết áp | 120 – 139 mmHg | 80 – 89 mmHg |
Tăng huyết áp | ≥ 140 mmHg | ≥ 90 mmHg |
Tăng huyết áp độ I | 140 – 159 mmHg | 90 – 99 mmHg |
Tăng huyết áp độ II | ≥ 160 mmHg | ≥ 100 mmHg |
Ngoài ra, huyết áp còn có thể thay đổi tuỳ theo các thời điểm trong ngày, hay theo từng cảm xúc, hoạt động,… của chúng ta. Lấy ví dụ như việc huyết áp ban ngày thường sẽ cao hơn ban đêm. Stress, vận động, gắng sức thể lực cũng sẽ khiến huyết áp tăng lên hơn so với khi ta bình tĩnh, thư giãn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Xem thêm: Nên đo huyết áp vào lúc nào trong ngày là chính xác nhất?
Khi đã xác định bị tăng huyết áp, chúng ta cần điều trị liên tục. Bởi các biến chứng tăng huyết áp thường diễn ra âm thầm. Nó chỉ biểu hiện ra khi đã đến một mức độ nghiêm trọng nhất định. Do đó, tuân thủ điều trị là điều tiên quyết bệnh nhân cần thực hiện để kiểm soát tăng huyết áp.
Những biến chứng tăng huyết áp cần biết
Như đã đề cập, tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm, cần phải liên tục điều trị. Nếu tình trạng kéo dài và không được kiểm soát có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:1 3
Biến chứng ở tim mạch
Khi huyết áp cao tác động lâu dài. Nó sẽ bào mòn lớp nội mạc mạch máu, nhất là động mạch vành. Trong khi động mạch vành có tác dụng cung cấp máu nuôi dưỡng tim. Đồng thời, nội mạc mạch máu bị hư cũng khiến các phân tử cholesterol ở lòng mạch dễ dàng di chuyển và bám vào các thành mạch. Đây là những bước đầu dẫn tới sự hình thành các mảng xơ vữa ở mạch vành, gây hẹp mạch vành.
Hẹp lòng mạch vành sẽ làm bệnh nhân thường xuyên bị đau tức ngực, nhanh mệt khi gắng sức. Đây là cũng chính là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Một tình trạng nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, sau cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân còn có thể chịu nhiều di chứng nặng nề.
Ngoài các tác động tới mạch vành. Huyết áp cao còn làm tăng gánh nặng cho hoạt động của tim. Nó khiến tim cần nhiều lực hơn so với bình thường để bơm máu đi. Vì vậy, sẽ khiến cơ tim phì đại. Nếu quá trình này diễn ra lâu dài, nó có thể dẫn tới suy tim.
Xem thêm: Bệnh tim mạch: Liệu bạn đã thật sự hiểu và biết về nó chưa?
Biến chứng ở não bộ
- Xuất huyết não: Mạch máu não không chịu nổi áp lực dẫn đến bị vỡ, gây xuất huyết não. Xuất huyết não có thể khiến bệnh nhân tử vong, liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn. Tiên lượng bệnh sẽ tùy vào vùng, lượng và tốc độ máu chảy vào nhu mô não.
- Nhồi máu não: Tương tự như mạch vành, tăng huyết áp làm hẹp mạch máu não. Và khi mảng xơ vữa bị nứt, nó hình thành nên cục máu đông, gây tắc mạch máu não. Dẫn tới một vùng não bị thiếu máu nuôi sẽ chết. Tình trạng này được gọi là nhồi máu não.
- Thiếu máu não: Khi hẹp mạch máu não chưa đến mức độ gây nhồi máu não. Bệnh nhân sẽ bị các triệu chứng thiếu máu não. Nguyên nhân là do giảm lưu lượng máu đi lên não. Thông thường, sẽ xuất hiện các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là ngất.
Biến chứng tại mắt
Tăng huyết áp sẽ làm tổn thương mạch máu ở võng mạc của mắt. Cụ thể, sự xơ cứng thành động mạch sẽ chèn ép tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn máu trong võng mạc. Quá trình này diễn ra từ từ theo các giai đoạn. Và đến cuối, bệnh nhân có thể mất thị lực.
Biến chứng ở thận
Tăng huyết áp làm tăng áp lực lọc tại cầu thận. Tình trạng này kéo dài sẽ làm hư màng lọc thận và các mạch máu thận, dẫn đến bệnh suy thận. Tăng huyết áp và suy thận là một vòng xoáy bệnh lý. Huyết áp cao sẽ đẩy nhanh tốc độ suy thận. Còn suy thận lại khiến huyết áp tăng cao khó kiểm soát.
Biến chứng tiểu đường
Tăng huyết áp và tiểu đường có mối liên hệ chặt chẽ. Đã bị tăng huyết áp thì rất dễ bị tiểu đường và ngược lại. Ngoài ra, cả hai cùng tác động làm đẩy nhanh quá trình xảy ra các biến chứng. Đặc biệt, ở các biến chứng như tim mạch và thận, mối liên hệ trên lại càng rõ ràng.
Một số biến chứng khác
Phình bóc tách động mạch chủ là biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm. Tuy tỉ lệ xuất hiện thấp hơn các biến chứng khác nhưng rất dễ gây tử vong.
Ngoài ra tăng huyết áp còn có thể gây ra các bệnh động mạch ngoại biên. Một căn bệnh góp phần gây sa sút trí tuệ và rối loạn cương dương.
Phương pháp kiểm soát huyết áp cao
Tùy thuộc vào từng đối tượng, sẽ có những mục tiêu điều trị tăng huyết áp khác nhau. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải tuân thủ y lệnh của bác sĩ. Về phương pháp kiểm soát huyết áp, có hai phương pháp như sau:1
Điều trị không dùng thuốc
Lối sống lành mạnh đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị tăng huyết áp. Một số thói quen tốt cho sức khỏe mà bạn có thể áp dụng:
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau quả, ít muối, đa dạng hoá bữa ăn,… Không dùng nhiều thức ăn dầu mỡ.
- Tập thể dục vừa sức và đều đặn.
- Giảm cân xuống trọng lượng phù hợp với cơ thể nếu thừa cân, béo phì.
- Không uống rượu bia và hút thuốc lá.
- Kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc khác.
- Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà, ghi nhận và báo cho bác sĩ.
Xem thêm: Cách hỗ trợ điều trị cao huyết áp tại nhà hiệu quả
Điều trị dùng thuốc
Thuốc huyết áp hiện nay rất đa dạng với nhiều chỉ định khác nhau, phù hợp với từng trường hợp. Như việc có cả thuốc uống và thuốc tiêm. Tuy nhiên, nếu uống thuốc không đúng có thể sẽ gây thêm nhiều tác hại. Vì vậy, bệnh nhân không được tự mua thuốc mà phải tuân theo y lệnh của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không được dừng uống thuốc. Vì ngưng uống thuốc huyết áp có thể sẽ làm các biến chứng của tăng huyết áp diễn ra nhanh hơn.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về biến chứng tăng huyết áp. Như đã đề cập, vì các biến chứng tăng huyết áp rất đa dạng và có tiên lượng khác nhau. Thế nên, sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn. Từ đó làm giảm gánh nặng do tăng huyết áp gây ra.